Máy lạnh là một trong những thiết bị điện lạnh gia dụng cần được vệ sinh thường xuyên. Do đặc tính hút và phả không khí liên tục, máy lạnh rất dễ bị bụi bẩn tích tụ lại từ đó làm giảm công năng, hiệu suất sử dụng. Một chiếc máy lạnh được vệ sinh thường xuyên sẽ có tuổi thọ sử dụng cao, vận hành ổn định, tiết kiệm điện năng và luôn cung cấp được luồng không khí mát mẻ cho cả gia đình.
Bài viết sau đây sẽ giúp bạn có thể tự mình vệ sinh lại máy lạnh, chuẩn bị cho một mùa Tết an lành bên người thân.
Thời gian vệ sinh máy lạnh
Thực tế, việc vệ sinh máy lạnh không có một tiêu chuẩn nhất định mà sẽ tuỳ thuộc vào từng môi trường xung quanh, tần suất sử dụng của máy. Một chiếc máy được đặt ở khu vực ít bụi bặm, thời gian sử dụng mỗi tuần chưa đạt tới 30 giờ có thể được bảo dưỡng mỗi 4 hoặc 5 tháng 1 lần. Ngược lại, nếu máy đặt ở môi trường có nhiều bụi bặm, tần suất sử dụng mỗi ngày cao thì ta nên vệ sinh máy ít nhất hai tháng 1 lần.
Quy trình bảo dưỡng máy lạnh bao gồm các việc sau: vệ sinh các bộ phận của máy (tấm lưới lọc, khoang cánh quạt, màng chứa nước, …), sau đó là kiểm tra vỏ máy để xem liệu có vấn đề gì hay không.
Quy trình bảo dưỡng máy lạnh
Lưu ý: Phải ngắt hoàn toàn nguồn điện trước khi thực hiện vệ sinh nhằm đảm bảo an toàn.
Bước 1: Kiểm tra sơ bộ khu vực dàn lạnh, dàn nóng
Sau khi ngắt điện, bạn hãy tiến hành kiểm tra xem khu vực dàn lạnh, cục nóng có bị kẹt những dị vật bên trong (vd: côn trùng chết, lá cây, đinh tán,…) hay không để loại bỏ chúng tránh gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của máy.
Tiếp đó, kiểm tra kĩ các mối nối dây dẫn và mối nối điện nhằm bảo đảm máy không bị rò rỉ gas, điện có thể gây ra nguy hiểm khi vận hành.
Bước 2: Vệ sinh lưới lọc
Nhằm trả lại khả năng lọc bụi tốt nhất cho lưới, bạn nên tháo dỡ lưới lọc ra và ngâm chúng trong nước, đồng thời dùng một bàn chải mềm hoặc miếng bọt biển để cọ rửa nhẹ nhàng. Lưu ý dùng lực quá mạnh hoặc vật dụng chải quá cứng có thể làm rách lưới. Khi đã hoàn tất, bạn có thể phơi lưới lọc thật khô ráo trước khi lắp vào.
Bước 3: Vệ sinh khoang cách quạt
Đối với phần này, bạn nên vệ sinh bằng cách sử dụng hóa chất làm sạch dàn lạnh chuyên dụng có bán tại các hàng thiết bị sửa chữa hoặc thiết bị điện lạnh.
Đầu tiên, xịt nhẹ nhàng hóa chất vào những khe giữa của lá chắn kim loại, lưu ý không nên xịt quá nhiều tránh hoá chất dư thừa tràn vào trong gây hư hỏng bo mạch. Sau khi chờ 10 - 20 phút để hoá chất phát huy tác dụng, bạn dùng khăn mềm lau kĩ lại bề mặt là được.
Bước 4: Lắp lớp lưới trở lại vào máy
Trước khi lắp lại lưới lọc, bạn hãy kiểm tra lại thêm một lần nữa. Chú ý các vị trí còn đang đọng nước, ẩm bên trong hoặc các khe nhỏ, hãy cố gắng dùng khăn lau thật khô rồi mới lắp lại lưới. Khi láp đặt lưới xong, bạn hãy kiểm tra lại các khớp lưới đã kết nối hết chưa rồi mới đóng vỏ dàn lạnh lại. Cuối cùng, dùng khăn hoặc giẻ mềm lau sạch sẽ toàn bộ để máy lạnh trông như mới bạn nhé!
Bước 5: Khởi động máy
Sau khi hoàn tất vệ sinh, nối lại nguồn điện và bật máy lạnh chạy thử. Nếu như máy chạy êm và không có hiện tượng bất thường nào xảy ra như tiếng kêu lạ, máy rung, v.v… thì xin chúc mừng, bạn đã vệ sinh máy lạnh thành công.
Trường hợp sau khi vệ sinh mà máy lạnh lại xuất hiện lỗi, hãy nhanh chóng ngắt nguồn điện và kiểm tra lại tất cả dàn nóng, dây nối, dàn lạnh lại một lần nữa. Nếu không thể khắc phục, hãy liên hệ ngay với thợ sửa máy lạnh để nhanh chóng khắc phục.
Những lưu ý lúc bảo dưỡng tại nhà
Tránh dùng lực nước mạnh phun trực tiếp vào dàn lạnh. Điều này có thể làm hư hỏng các chi tiết mỏng, nhỏ trong máy, trường hợp tệ hơn bạn có thể làm bo mạch bên trong bị nhiễm nước gây hư hỏng nặng nề cho máy.
Nếu bạn không quá chắc chắn rằng mình có thể tự thao tác tại nhà, hãy giao việc này cho những người có chuyên môn. Liên hệ với các thợ quen hoặc sử dụng ứng dụng gọi thợ sửa chữa để có được một chiếc máy lạnh sạch sẽ với khoảng thời gian nhanh nhất nhé.
Comments
Post a Comment